Chiếu Thái Bình tinh hoa dân tộc Việt
Posted by Unknown on 06:58 with No comments
"Chiếu Thái Bình, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông"
Câu ca dao xưa đã góp phần ngợi ca những giá trị văn hóa vô cùng tốt đẹp của đất Việt thân yêu. Lời ca đã nhắc đến mảnh đất Thái Bình và nghề truyền thống của người dân nơi đây: nghề làm chiếu cói. Người dân Thái Bình dù đi bất cứ nơi đâu vẫn luôn tự hào vì mình được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu giá trị văn hóa và hơn bao giờ hết, họ vẫn luôn tự hào vì quê hương mình đã làm ra những đôi chiếu vừa đẹp, vừa bền nức tiếng trong và ngoài nước.
Chiếu cói Thái Bình có độ bóng, dai, đẹp và bền. Bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ của người nông dân, với đôi tay khéo léo của người thợ dệt chiếu, hàng ngàn đôi chiếu đã được dệt nên để rồi sau đó bằng nhiều phương thức khác nhau được đưa đến với người sử dụng. Chiếu cói Thái Bình đã có mặt ở nhiều miền đất nước, thậm chí còn được xuất khẩu ra các nước bạn. Đôi chiếu gắn liền với đời sống của nhân dân Việt Nam, đặc biệt với người nông dân Việt thì chiếc chiếu còn trở thành một vật dụng gắn bó mật thiết, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Chiếc chiếu nâng giấc ta khi say trong giấc ngủ, chiếu là nơi ta ngồi sum họp bên mâm cơm gia đình, ngày hè nóng bức, trải chiếu ra sân ngồi ngắm trăng, hóng gió, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn của cuộc sống thường nhật, chiếc chiếu chứng kiến hạnh phúc của những đôi vợ chồng trẻ,.….. Rõ ràng chiếc chiếu đã trở thành một người bạn thân thiết trong đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của người Việt.
Với 8 xã thuộc huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình thì cây Cói là cây thứ 2 sau câu lúa được trồng rất nhiều, cói là nguyên liệu chính dùng để dệt nên những chiếc chiếu Thái Bình. Tám xã vùng cói huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình bao gồm xã An Tràng, An Dục, Đồng Tiến, An Vũ, An Lễ, An Mỹ, Đông Hải, An Quý, với tổng diện tích trồng có thể trồng cói cho năng xuất chất lượng tốt là hơn 2.769 ha. Cói Thái Bình nổi tiếng là sợi nhỏ, dai, óng mượt. Ðiều đặc biệt ít có nơi nào có thể trồng được loại cói dài như ở vùng này, loại Cói chuyên dùng để dệt nên những tấm chiếu vừa đẹp lại vừa bền. Theo lời kể của các vị cao niên, trước đây chiếu Cói Thái Bình là một trong những vật cống tiến triều đình được các bậc vua chúa và quý tộc ưa dùng. Trong các cung vua, phủ chúa, trong các bậc danh gia vọng tộc có chiếu Thái Bình là thêm một bằng chứng thuyết phục cho sự giàu sang, sành điệu của bậc trưởng giả kinh thành. Cái đẹp quyến rũ của chiếu Thái Bình ấy là sự óng chuốt, mềm mại. Chiếu cói là sản phẩm đặc hiệu làm từ những bàn tay chuyên cần, khéo léo của người dân Thái Bình. Ngày nay thương hiệu “chiếu Thái Bình” đã cập bến cảng nhiều quốc gia ưa chuộng chiếu cói. Nhưng cói ngày nay không chỉ tạo ra đặc chủng chiếu. Từ Cói Thái Bình đã tạo nên nhiều sản phẩm hấp dẫn khác: chiếu du lịch hai gấp, ba gấp, bốn gấp tiện lợi, giỏ đựng hoa quả, làn, bình hộp có nắp, đệm... kiểu dáng thanh thoát, trẻ trung. Trong số bạn hàng, Nhật Bản tỏ ra sốt sắng với sản phẩm cói. Từ nhiều năm trước doanh nghiệp Nhật đã đến Thái Bình. Giờ đây chiếu cói Thái Bình đã có hành lang thương mại rộng rãi đến với nhiều quốc gia. Cho đến tận hôm nay, dù trên thị trường đã có nhiều loại chiếu khác, nhưng rất nhiều người vẫn luôn tin dùng chiếu cói Thái Bình, và lựa chọn sử dụng sản phẩm này.
Để làm nên một chiếc chiếu Thái Bình, người dân nơi đây đã phải trải qua quá trình vất vả một nắng hai sương. Quá trình làm chiếu phải bắt đầu từ việc trồng nên những cây cói chất lượng, đảm bảo để có thể có những đôi chiếu đẹp, bền, vừa lòng người tiêu dùng. Để trồng được những cây Cói như vậy, người nông dân đã phải cực nhọc “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên ruộng đồng. Khi cây Cói đến mùa thu hoạch, mọi người lại vất vả phơi phóng để có được những sợi cói dai, đẹp màu, Cói phải được nắng để óng lên màu sắc đặc trưng và mùi thơm đặc biệt. Lúc ấy, quá trình dệt chiếu mới có thể bắt đầu.
QUÁ TRÌNH PHƠI CÓI CHO CÂY CÓI THÊM BÓNG ĐẸP |
Để dệt được một lá chiếu đẹp thì 2 người mất khoảng 3-4 giờ đồng hồ. Nếu dệt chiếu cải hoa thì phải nhuộm Cói bằng phẩm màu, và phải mất 1 ngày 2 người mới dệt được một lá chiếu. Chiếu dệt màu trắng thường được in hoa văn rồi đem hấp cho chín phẩm màu. Khi dệt hết 1 và chiếu (thường thì khoảng 2 lá chiếu) thì được cắt ra và gim những đầu đay để thừa để giữ cho sợi cói không bị bong ra khi sử dụng. Gần đây những người thợ cơ khí của quê hương Thái Bình đã sáng chế ra chiếc máy dệt chiếu đầu tiên. Thay vì 3 giờ người dệt thủ công mới dệt được một chiếu, thì chỉ mất 45 phút, máy cho ra một chiếu. Người ta tính, chiếc máy có thể dệt 12-15 chiếu mỗi ngày. Tuy nhiên, chiếu dệt bằng tay có nét đẹp riêng của nó, chính vì vậy dù đã có máy dệt chiếu nhưng vẫn không thể thiếu đôi tay người thợ dệt. Ra chợ làng nghề huyện để ngắm chiếu. Sẽ thấy trên trời, dưới chiếu. Màu chiếu biêng biếc, vàng mơ áng lên sắc đỏ của những chiếc chiếu hoa, chiếu cưới, chiếu lễ hội sân đình……. Muôn màu chiếu tạo nên vẻ đẹp cho một làng nghề không trộn lẫn với bất cứ làng nghề nào khác! Ấy là vẻ đẹp riêng, đặc sắc Thái Bình.
Nói thì nói vậy, nhưng có tận mắt thấy được quá trình làm việc của người nông dân, công nhân để làm nên một đôi chiếu mới thấy vất vả, khó khăn đến thế nào. Làm nghề chiếu mà không yêu nghề, say nghề thì không làm được Chị Thanh – thợ làm chiếu lâu năm tâm sự “. Phải thật sự có lòng với nghề, thì người thợ mới có khả năng thổi hồn vào từng đôi chiếu. Khác với những ngành nghề truyền thống khác, thợ dệt chiếu chủ yếu là chị em phụ nữ, và chủ yếu là người trong làng. Thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia làm chiếu. Chính vì vậy, con em vùng chiếu được tiếp xúc với cói, với chiếu từ những ngày còn nhỏ, và cũng đem lòng yêu chiếu, yêu nghề từ chính những tháng ngày ấu thơ ấy”. Dệt chiếu tuy không phải là cái gì đó mới lạ nhưng đòi hỏi sự kiên trì và cả tình yêu thương của người tạo ra sản phẩm. Dù rằng họ chỉ quanh quẩn với những công việc đơn giản, chỉ tiếp xúc với đay cói thường xuyên, nhưng với họ mỗi ngày là một niềm vui khi tự tay mình miệt mài hoàn thành sản phẩm, đặc biệt hơn họ là những người phục dựng, giữ gìn linh hồn của làng nghề
Về quê Thái Bình, ngắm nhìn những đôi chiếu mới, ngửi mùi thơm đậm đà, đặc trưng của chiếu cói, mới thấy tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của làng quê Việt to lớn đến thế nào! Dù cuộc sống hiện đại có nhiều biến đổi để hòa nhập cùng thế giới, thì nét đẹp truyền thống của các làng nghề Việt như: Chiếu Thái Bình, như gạch Bát Tràng, như tranh Đông Hồ… vẫn phải luôn được lưu giữ tới muôn đời. Đó là hồn Việt, là khí phách, là tinh hoa dân tộc Việt.
CHIẾU CÓI QUÊ HƯƠNG THÁI BÌNH |